'Sản xuất theo chuỗi giúp hàng Việt tránh rủi ro khi xuất khẩu'

Truy xuất nguồn gốc từ trang trại tới bàn ăn, sản xuất theo chuỗi là "chìa khoá" để doanh nghiệp tránh rủi ro khi xuất khẩu.

Nội dung trên được Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải nêu tại hội thảo mới đây về trách nhiệm của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Sản xuất theo chuỗi giá trị trong nông nghiệp là hình thức liên kết theo chuỗi khép kín từ khâu sản xuất đến thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Để tránh rủi ro khi xuất khẩu, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị các doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh phát triển mô hình sản xuất theo chuỗi, ứng dụng công nghệ cao, kiểm soát an toàn thực phẩm từ các yếu tố đầu vào đến nơi tiêu thụ. Việc này sẽ giúp doanh nghiệp tránh bị thu hồi sản phẩm, hay kiện bồi thường vì không đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu.

Hiện nhiều thị trường xuất - nhập khẩu thực phẩm chế biến ngày một khắt khe hơn trong quản lý an toàn thực phẩm. Chẳng hạn với thị trường EU, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đưa ra các ưu đãi về biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS) linh hoạt, nhưng khu vực này cũng có nhiều quy định khác về tiêu chuẩn, quy trình sản xuất, nhất là với nông sản.

Theo ông Nguyễn Việt Tấn, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học & Công nghệ (Bộ Công Thương), do sự phức tạp của hệ thống các biện pháp, quy định của các nước, khu vực nên đôi khi việc không đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu cũng có thể xảy ra, ngay cả với những tập đoàn đa quốc gia uy tín.

Trồng dưa lưới trong nhà kính ở Lai Vung, Đồng Tháp. 

Ông dẫn chứng, một số nước thuộc liên minh châu Âu (EU) vừa qua kiểm tra phát hiện và thu hồi một số lô mỳ ăn liền nhập từ Việt Nam có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ethylene oxide (EO) vượt ngưỡng. Bởi từ tháng 1 năm nay, EU đã áp dụng quy định khắt khe hơn về kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm mỳ ăn liền từ Việt Nam xuất sang thị trường này.

Từ 3/7 tới, EU sẽ gỡ biện pháp khẩn cấp kiểm soát thực phẩm với bún, miến, phở khô từ Việt Nam, nhưng mỳ ăn liền, thanh long vẫn chịu các biện pháp kiểm soát này.

Tương tự, một số nước khác như Trung Quốc cũng đưa ra các quyết định chặt chẽ hơn về nguồn gốc hàng nông sản nhập vào thị trường này từ cuối năm ngoái. Tức là, các loại nông sản, trái cây muốn xuất khẩu sang Trung Quốc ngoài những giấy tờ xuất khẩu thông thường, còn phải có đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc trên bao bì.

Hiện 9 loại trái cây xuất khẩu chính ngạch của Việt Nam sang Trung Quốc phải đảm bảo các quy định về truy xuất nguồn gốc thực phẩm, gồm thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm, măng cụt.

Theo ông Nguyễn Văn Chính, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần iCheck, cách để doanh nghiệp tránh thiệt hại là họ phải chủ động thích ứng, chuyển đổi và chuẩn hoá chuỗi giá trị sản xuất.

"Việc truy xuất nguồn gốc giúp doanh nghiệp quản lý toàn diện vùng trồng, nhà xưởng, vùng sản xuất. Nhà sản xuất cũng có thể khoanh vùng các rủi ro khi gặp sự cố", ông nói.

Tuy nhiên, muốn chuẩn hóa hệ thống truy xuất nguồn gốc, trước tiên doanh nghiệp cần hiểu đúng về quy chuẩn của mã này, là "ghi lại nhật ký điện tử quá trình sản xuất, vận chuyển, phân phối...".


Thống kê truy cập