Mục tiêu chung của Quy hoạch đến năm 2025, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trở thành Vùng công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, phát triển công nghiệp Vùng gắn với khoa học công nghệ, sản phẩm công nghiệp của Vùng có chất lượng, có khả năng cạnh tranh và giá trị gia tăng cao.
Giai đoạn 2026 - 2035, các sản phẩm công nghiệp của Vùng có thương hiệu uy tín, đáp ứng được tiêu chuẩn của các nước phát triển.
Về các mục tiêu cụ thể, Quy hoạch xác định: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn đến năm 2020 đạt 10,5-11,0%; giai đoạn 2021-2025 đạt 12,5-13,0%; giai đoạn 2026-2035 đạt 12,0-12,5%.
Tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm công nghiệp và xây dựng giai đoạn đến năm 2020 đạt 8,5-9,0%; giai đoạn 2021-2025 đạt 9,0-9,5%; giai đoạn 2026-2035 đạt 8,5- 9,0%. Trong đó, riêng ngành công nghiệp đạt tương ứng các giai đoạn là 9,0-9,5%; 10,5-11,0% và 9,5-10,0%. Cơ cấu ngành công nghiệp và xây dựng trong các ngành kinh tế năm 2020 đạt 48,5%- 49,0%, năm 2025 đạt 49,0- 49,5% và năm 2035 đạt 46,0- 46,5%.Trong đó, riêng ngành công nghiệp đạt tương ứng các giai đoạn là 36,0-36,5%; 34,5-35,0% và 32,0-32,5%.
Quy hoạch định hướng phát triển công nghiệp Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2025 là tập trung phát triển sản xuất một số sản phẩm có thương hiệu, đặc trưng của vùng để tham gia vào chuỗi xuất khẩu và chuỗi sản xuất trọng điểm của cả nước; Tiếp tục đẩy mạnh phát triển một số ngành công nghiệp chủ lực như: khai thác dầu khí, sản xuất thép, sản xuất điện, phân bón, hóa chất từ dầu khí; công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng và các ngành thu hút nhiều lao động, đặc biệt ở các tỉnh có trình độ phát triển chưa cao: chế biến nông - lâm- thủy sản, công nghiệp thực phẩm; sản xuất hàng tiêu dùng, dệt may, da giày, nhựa. Đồng thời tập trung phát triển nhanh hơn một số ngành, sản phẩm công nghiệp có tính chất dẫn đường như: phần mềm, điện tử công nghiệp và dân dụng; cơ khí chính xác, chế tạo khuôn mẫu, dụng cụ y tế; Khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ cho các ngành cơ khí chế tạo, sản xuất ô tô- xe máy, điện tử tạo ra mạng lưới vệ tinh cung cấp linh, phụ kiện phục vụ các công ty lớn; Tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp sạch; điện tử tin học ở những khu vực có điều kiện. Tiếp tục xúc tiến thu hút đầu tư vào khu công nghệ cao. Nghiên cứu đề án xây dựng khu dịch vụ kỹ thuật đặt ở ngoại vi thành phố Hồ Chí Minh làm nhiệm vụ cải tiến kỹ thuật, công nghệ cho các doanh nghiệp ở phía Nam; Hợp tác, liên kết giữa các ngành, doanh nghiệp công nghiệp của vùng với các địa phương và các vùng khác để sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm các nguồn lực, nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp. Tham gia một cách chủ động và hiệu quả vào liên kết công nghiệp với các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới; Phát triển công nghiệp gắn với phát triển dịch vụ; phát triển công nghiệp nông thôn, tạo động lực trực tiếp cho quá trình CNH,HĐH nông nghiệp nông thôn, thúc đẩy nhanh quá trình đô thị hóa trên địa bàn toàn vùng; Hạn chế xây dựng thêm các cơ sở công nghiệp sử dụng nhiều lao động ở các đô thị lớn. Điều chỉnh lại hướng phân bố công nghiệp trên địa bàn Vùng, trên cơ sở khai thác nguồn tài nguyên và dư địa của các tỉnh có mật độ sản xuất công nghiệp chưa tập trung cao, phù hợp với đặc điểm của từng lĩnh vực sản xuất công nghiệp.
Tầm nhìn đến năm 2035: Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tiếp tục là vùng kinh tế phát triển năng động với chất lượng tăng trưởng cao và bền vững, đi đầu trong phát triển kinh tế; là trung tâm công nghiệp công nghệ cao với trình độ chuyên môn hóa cao. Công nghiệp phát triển theo hướng thân thiện với môi trường, công nghiệp sạch, công nghệ cao, các sản phẩm của công nghiệp chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất công nghiệp toàn cầu.
Về phân bố không gian phát triển công nghiệp, Quy hoạch bố trí không gian công nghiệp theo vị trí các tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang và thành phố Hồ Chí Minh
Giải pháp thực hiện Quy hoạch bao gồm: Các giải pháp chung về huy động nguồn lực, định hướng đầu tư vào các chuyên ngành chủ lực và dự án trọng điểm; nhóm giải pháp về thị trường và xúc tiến thương mại, giải pháp về khoa học và công nghệ; giải pháp về tài chính, thuế, đất đai; nhóm giải pháp về tạo dựng sự phối hợp, liên kết phát triển trong Vùng. Các giải pháp trước mắt là: tạo lập môi trường hấp dẫn cho đầu tư, sản xuất kinh doanh; đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực công nghiệp.
Kèm theo Quy hoạch là Danh mục các chương trình, dự án đầu tư chủ yếu Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, bao gồm các dự án trong 7 ngành công nghiệp chủ yếu: khai khoáng, cơ khí, luyện kim; sản xuất thiết bị điện, điện tử; chế biến nông, lâm sản, thực phẩm; hóa chất ; dệt may- da giày và sản xuất vật liệu xây dựng.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Chi tiết Quyết định xem tại đây.